Thanh Thủy thực hiện khâu đột phá về phát triển du lịch
Huyện Thanh Thủy nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, chạy dọc theo tả ngạn sông Đà, ở vào thế “tựa sơn, đạp thủy”, được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc nên thơ, cùng rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhất là 5 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đặc biệt nơi đây còn nổi tiếng cả nước về nguồn nước khoáng nóng tự nhiên có nhiều tác dụng cho sức khỏe… Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, huyện Thanh Thủy đặc biệt coi trọng phát triển du lịch, với mục tiêu phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh Phú Thọ.
Huyện Thanh Thủy nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, chạy dọc theo tả ngạn sông Đà, ở vào thế “tựa sơn, đạp thủy”, được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc nên thơ, cùng rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhất là 5 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đặc biệt nơi đây còn nổi tiếng cả nước về nguồn nước khoáng nóng tự nhiên có nhiều tác dụng cho sức khỏe… Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, huyện Thanh Thủy đặc biệt coi trọng phát triển du lịch, với mục tiêu phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh Phú Thọ.
Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương

Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh thu hút đông đảo du khách về tham quan, nghỉ dưỡng
Thanh Thủy là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa và có tới 36 di tích lịch sử văn hóa mang nhiều nét độc đáo, cổ kính, trong đó có 5 di tích cấp Quốc gia, trong đó, nổi bật nhất là Đền Lăng Sương ở xã Đồng Trung - nơi đây thờ gốc và duy nhất ở Việt Nam thờ cả gia đình Tản Viên Sơn Thánh - Ngài được coi là “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần”, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt; kế tiếp là Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ ở xã Tu Vũ; đình Đào Xá, đền Tam Công ở xã Đào Xá và đình Hạ Bì Trung ở xã Xuân lộc,… Vì vậy, Thanh Thủy trở thành một trong những điểm đến rất hấp dẫn của du lịch tâm linh.
Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống
Thanh Thủy đã hình thành 3 vùng du lịch, bao gồm: Vùng không gian du lịch gắn với sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh (phía Bắc huyện), bao gồm những điểm đến như: Di tích lịch sử Quốc gia đình Hạ Bì Trung, xã Xuân Lộc; Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Bạch Thạch, đình Đào Xá, đền Tam Công ở xã Đào Xá; đền Ngọc Sơn, đền Quốc Tế ở xã Thạch Đồng,… Vùng không gian du lịch gắn với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở trung tâm huyện gồm: Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh; Khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao Wyndham Lynn Times Thanh Thủy; các resort: Thanh Lâm, Tre Nguồn, Bomboo,…; tiếp đến là vùng không gian du lịch gắn với cộng đồng văn hóa dân tộc Mường (phía Nam huyện) đang được bảo tồn và phát huy tại xã Tu Vũ.
Dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy với trên 2000 phòng tiêu chuẩn 5 sao
Hiện Thanh Thủy có 45 đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái nổi bật như: Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua Resort & Villas, Bamboo Resort, Tre Nguồn Resort…. Trong đó, Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Quần thể Vườn Vua Resort & Villas sở hữu các hạng mục công trình đa dạng, độc đáo như: Công viên giải trí King’s Garden Land, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, khu nhà sàn cộng đồng, khu Villas “nhà Phú Ông”, Khu khách sạn “phố cổ Hà Nội”, khu Villas “phố Tây”, cụm nhà hàng và quần thể bể bơi trung tâm. Ở một phong cách khác, Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh tạo được ấn tượng với du khách bởi quần thể du lịch sinh thái phong phú, hấp dẫn bao gồm hệ thống khu vui chơi giải trí, công viên nước, khu nghỉ dưỡng, vật lý trị liệu, nhà hàng ẩm thực đa dạng. Mới đây nhất, Dự án Wyndham Lynn Times Thanh Thủy với trên 2000 phòng tiêu chuẩn 5 sao có kiến trúc đẹp, gắn với mô hình nghỉ dưỡng khoáng nóng kết hợp điều dưỡng, trị liệu, thư giãn mới lạ và hiệu quả, mang đến một làn gió mới, tươi trẻ và hiện đại cùng những trải nghiệm nghỉ dưỡng chưa từng có…. Đến với Du lịch Thanh Thủy, ngoài những khu nghỉ dưỡng, hay resort cao cấp với nguồn nước nóng tự nhiên thư giãn tốt cho sức khỏe, du khách còn được thưởng thức những món ngon truyền thống của làng quê Bắc Bộ như: Dê núi đá, cá Sông Đà, gà ri đồi sỏi, … ở các nhà hàng nổi tiếng như: Nhà hàng Dũng Râu, Nhà hàng Oanh Béo, Nhà hàng Vũ Gia, Nhà hàng Đà Giang, Nhà hàng Đức Hòa,…

Khu vực đường đôi đối diện Đảo Ngọc Xanh
Hiện nay, mỗi năm, Thanh Thủy đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch hành hương về với các lễ hội truyền thống và trải nghiệm các dịch vụ du lịch nơi đây. Việc kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử văn hóa đã hình thành các tour, tuyến phục vụ khách du lịch hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, huyện Thanh Thủy đã và đang xây dựng, triển khai mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Mường tại xã Tu Vũ, đưa các câu lạc bộ hát, múa của người Mường tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các làng nghề truyền thống như: Làng nghề Tương làng Bợ, hoa Phương Viên, đan lát Ba Đông,…
Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Thanh Thủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 16/4/2021 về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu xây dựng để Thanh Thủy thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh. Đây là chủ trương quan trọng và mới nhất về phát triển kinh tế du lịch của huyện Thanh Thủy và việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 08 sẽ tạo ra khâu đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương. Theo đó, Thanh Thủy phấn đấu đến năm 2025 đạt 1.550.000 lượt khách du lịch/năm. Ngay trong năm 2023 này, lượng khách ước đạt 680.000 lượt khách,... Cùng với đó là mục tiêu về doanh thu từ du lịch, dịch vụ, phấn đấu đến năm 2025 đạt 1.100 tỷ đồng; riêng năm 2023 ước đạt 520 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 66,4%, đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo lộ trình thực hiện Nghị quyết. Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển du lịch trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 là gần 4.400 tỷ đồng.
Vấn đề quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết chính là tạo được sức mạnh và nguồn lực tổng hợp thông qua những giải pháp hiệu quả được đề ra. Cụ thể: Huyện ủy và UBND huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện; huy động các nguồn lực đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngành du lịch huyện Thanh Thủy phát triển, quyết tâm tạo bước đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, văn bản của tỉnh, của huyện về định hướng, mục tiêu phát triển du lịch được đẩy mạnh, qua đó phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn huyện phát triển. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thu hút triển khai một số dự án trọng điểm về du lịch.
Vấn đề thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch được quan tâm hơn: Huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có các chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia khảo sát, nghiên cứu, đầu tư phát triển du lịch trên tại huyện. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn về du lịch; bố trí quỹ đất; chú trọng việc mời gọi các doanh nghiệp lớn, có năng lực, có thương hiệu đầu tư các khu vui chơi giải trí cao cấp và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên các sàn giao dịch thương mại điện tử giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, mở ra cơ hội phát triển cạnh tranh cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện....
Huyện Thanh Thủy cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch, trên cơ sở tiềm năng của địa phương; bao gồm: Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh (trên cơ sở bảo tồn, phát huy nét đặc sắc và khai thác giá trị của một số lễ hội như: Lễ hội truyền thống Đền Lăng Sương, Lễ hội Rước voi Đình Đào Xá, Bơi chải Đền Quốc Tế và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện); Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí (Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua resort and Villa, Bamboo Resort, Tre Nguồn Resort, Thanh Lâm Resort, Thanh Thủy Resort, …); Sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng (phát huy giá trị văn hóa người Mường ở xã Tu Vũ, Chương trình Du lịch học đường, Du lịch trải nghiệm…); Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch (Đang từng bước xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; du lịch nông nghiệp - nông thôn, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền)… Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện đã được hoàn thành từ năm 2019 cũng gắn với phát triển du lịch, trong đó có các sản phẩm OCOP. Hiện nay, Thanh Thủy đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến tháng 10/2023, xã Đoan Hạ sẽ về đích nông thôn mới nâng cao và sang năm 2024 sẽ có thêm 3 xã được công nhận. Việc xây dựng nông thôn mới cũng sẽ là tiền đề để phát triển du lịch bền vững.
Ngay trong năm 2023, một chuỗi sự kiện gắn với hoạt động du lịch đã hoàn thiện kế hoạch và sẽ được tổ chức trong tháng 9/2023. Đặc biệt là Kế hoạch tổ chức Khai mạc Tuần Du lịch huyện Thanh Thuỷ - Mùa Thu năm 2023 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất được thực hiện từ ngày 31/8 đến ngày 04/9/2023 (dự kiến bắn pháo hoa vào tối ngày 31/8). Chương trình nhằm chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023); Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 16/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ XXVI. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện; giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế, sản phẩm của du lịch Thanh Thuỷ, động viên tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, tin tưởng rằng huyện Thanh Thủy sẽ đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá về phát triển du lịch, góp phần tích cực vào tiến trình chung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trọng Hòa