Cách đây 50 năm, 500 cô gái quê Đất Tổ mới mười tám, đôi mươi đã tình nguyện viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ xông pha vào tuyến lửa theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng quân, dân cả nước xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Những ngày tháng lửa đạn này không chỉ là một thời để nhớ mà còn góp phần hun đúc, tôi luyện những “người phụ nữ thép” luôn phấn đấu vươn lên ngay cả trong thời bình.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đoàn đại biểu Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Sáng ngời truyền thống Anh hùng
Sau hai tháng huấn luyện tại Sư 304B và hai tháng huấn luyện tại Quảng Bình, Tiểu đoàn nữ chiến sĩ từ Đất Tổ được bổ sung vào Đoàn 559 và tỏa đi các chiến trường làm nhiệm vụ. Người thì về đơn vị xăng dầu đường ống, người thì về đơn vị thông tin, người thì đi học lớp ngắn ngày để trở thành nữ quân y, ai khỏe nhanh thì làm giao liên băng rừng, trèo đèo lội suối dẫn đường cho bộ đội ra mặt trận, đón thương binh từ mặt trận được trở ra, còn lại số đông được biên chế vào đơn vị công binh để “Xẻ núi bắc cầu cho những chuyến xe qua”. Mỗi khi nhận được lệnh chuẩn bị có đoàn xe chở hàng vào mặt trận, bất kể ngày hay đêm, những nữ chiến sĩ Trường Sơn đều có mặt hộ tống cho đoàn xe vượt tuyến lửa vào chiến trường ác liệt.
Cuộc sống của những cô gái mở đường Trường Sơn với bao hiểm nguy, gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng các chị đều vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng quân, dân cả nước tạo nên những kỳ tích trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ngày 30/4/1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau hòa bình, đa số các nữ chiến sĩ vẫn tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, mở tiếp những cung đường, đến năm 1978 mới ra quân hết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về quê hương. Quãng thời gian vất vả ở chiến trường đã hun đúc nên những người phụ nữ kiên trung, mạnh mẽ trong thời bình, làm gương cho thế hệ sau. Với họ, được là bộ đội Trường Sơn là niềm tự hào, là điều quý giá trong những tháng năm tuổi thanh xuân của họ.
Đại tá Vũ Tiến Đặng- Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh của tỉnh cho biết: “Những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa là những người dũng cảm, kiên cường trong kháng chiến, trung hậu, đảm đang trong thời bình khiến chúng tôi rất quý mến, cảm phục. Họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho hòa bình của đất nước dù cho nhiều chị đã nằm lại chiến trường, nhiều chị đã hy sinh một phần xương máu, bị nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc gia đình nhưng trong họ- những nữ chiến sĩ Trường Sơn luôn sáng ngời truyền thống bộ đội Cụ Hồ”.
.jpg)
Những nữ chiến sĩ Trường Sơn thăm gian trưng bày kỷ vật kháng chiến của CCB Bùi Đình Thu (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba).
Ngôi nhà chung của nữ chiến sĩ Trường Sơn
Trở về quê hương sau khi đất nước hòa bình, nhiều nữ chiến sĩ Trường Sơn tuổi đời không còn trẻ, sức khỏe bị ảnh hưởng, nhiều chị đến nay vẫn chưa có cơ hội xây dựng gia đình, không chồng, không con, không chỗ ở ổn định, nhiều chị bị nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin không có khả năng làm mẹ hoặc có con bị dị tật, cuộc sống bộn bề khó khăn, lo toan... Chứng kiến những khó khăn, vất vả, hy sinh, mất mát của đồng đội và của chính bản thân mình, chị Mai Thị Thọ luôn trăn trở làm sao để gắn kết những người đồng đội đã từng chia ngọt sẻ bùi nơi chiến trường, cùng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Cách đây 21 năm, chị Mai Thị Thọ cùng với một số nữ chiến sĩ năm xưa đã đi đến các huyện, thành, thị gặp gỡ những người đồng đội để cùng tập hợp thành lập Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn- là ngôi nhà chung, là điểm tựa tinh thần vững chắc của những nữ chiến sĩ.
Là người “giữ lửa” cho Ban liên lạc từ ngày đầu thành lập đến nay, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn Mai Thị Thọ chia sẻ: “Ban liên lạc được thành lập năm 2002, là ngôi nhà chung để chị em gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống rất đỗi tự hào, để nhớ về một thời tuổi trẻ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước đồng thời động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống bằng những việc làm thiết thực, thắm tình đồng đội. Chúng tôi còn vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ xây, sửa nhà, tặng xe lăn cho hội viên, con em hội viên, giúp cây, con giống, tạo việc làm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chị em”.
Với 387 thành viên ở 13 huyện, thành, thị trong tỉnh, Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh và các địa phương đã hoạt động rất tích cực giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, là điểm tựa tinh thần, gắn kết giúp cho các hội viên nữ có thêm động lực để cống hiến, làm cho chị em thêm tự hào về lịch sử và những ngày tháng gian khó nêu cao tinh thần trách nhiệm của những người lính Trường Sơn năm xưa, không ngại khó, ngại khổ để đồng hành cùng nhau trong mọi chặng đường. Trong quá trình hoạt động, CLB nghệ thuật nữ Chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ được thành lập đã mang lời ca, tiếng hát, điệu múa từ chính trái tim người lính để phục vụ động viên đồng đội, biểu diễn phục vụ các khu dân cư, trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giao lưu với các Ban liên lạc của các tỉnh giúp đời sống văn hóa tinh thần của nữ chiến sĩ Trường Sơn ngày càng được nâng cao.
Phát huy tinh thần “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam và truyền thống rất đỗi tự hào của nữ chiến sĩ Trường Sơn, nhiều thành viên đã được nhận Bằng khen, Giấy khen của Ủy ban MTTQ, của Trung ương Hội; vinh dự được gặp Chủ tịch nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được chọn trong số 1.000 CCB của cả nước tham gia cuộc hành quân “Tiếp lửa truyền thống Vang mãi khúc quân hành”, vinh dự được báo cáo về những hoạt động của nữ Chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ trong bốn lần được tiếp kiến Phó Chủ tịch nước qua các thời kỳ. Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh cũng đã góp phần tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội và các hoạt động chung của Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh của tỉnh.
Giờ đây, những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đều đã bước sang tuổi 70 nhưng họ vẫn không ngừng cống hiến và trao truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, làm sáng ngời phẩm chất, tinh thần của bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.