Tế Nữ quan trong lễ hội đình Hạ Bì Trung
Là dải đất nằm bên sông Đà, Thanh Thủy không chỉ có lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng mà còn là vùng đất có nhiều di tích văn hóa, lịch sử tạo thuận lợi phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Trong đó nổi bật có lễ hội cướp cây bông tại đình La Phù và tham quan kiến trúc độc đáo của đình Hạ Bì Trung được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc cấp Quốc gia. Về Thanh Thủy vào dịp đầu xuân, du khách được hòa mình vào không khí của lễ hội văn hóa dân gian với những nét văn hóa đặc sắc riêng của địa phương.
Giá trị kiến trúc Đình Hạ Bì Trung
Tọa lạc tại xã Xuân Lộc đình Hạ Bì Trung thờ Tam vị Đại Vương triều Hùng là Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại là những người có công giúp Vua Hùng Duệ Vương dẹp yên quân Thục, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Sử sách còn ghi lại, đình được khởi dựng vào cuối thế kỷ thứ XVIII bằng tranh tre nứa lá. Sau khi nhân dân trong làng chuyển đình từ hữu ngạn về tả ngạn sông Đà năm Đinh Hợi 1827, đình được tôn tạo trên nền đất bằng phẳng nhìn hướng Đông Nam. Tòa Đại Bái có kiến trúc chữ nhất, 3 gian, 2 chái, vì gỗ, tường xây lợp ngói, cột đình được làm bằng các loại gỗ quý như đinh, lim, mít. Trong đình còn lưu giữ được long ngai, bài vị, hoành phi câu đối ngọc phả, sắc phong. Đồ thờ như: Nồi hương, bát, đĩa, lục bình hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Đình Hạ Bì Trung được các vua triều Nguyễn phong 5 đạo sắc vào năm 1853 và 1943. Thiết kế trong đình được sàm mộng chặt chẽ, chạm khắc rất tinh tế, cầu kỳ với những đề tài thể hiện ước mong cuộc sống tốt lành của nhân dân địa phương. Lễ chính của đình trong năm có hai ngày là ngày 10 tháng 8 âm lịch ngày sinh của Đức Thánh và ngày 10 tháng Giêng, ngày mất của Đức Thánh.
Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, sự tác động của môi trường và các cuộc chiến tranh, đình Hạ Bì Trung bị xuống cấp, hư hỏng nặng... Năm 2007, nhân dân trong làng đã tiến hành đại tu Tòa Đại Bái dưới sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa thông tin huyện Thanh Thủy và Sở VH-TT&DL nên tính nguyên bản của di tích được bảo toàn. Nguồn vốn đại tu đình gần 1 tỷ đồng do nhân dân trong làng, khách thập phương và các nhà hảo tâm công đức. Năm 2010, đình Hạ Bì Trung được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích kiến trúc cấp Quốc gia.
Để quản lý, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị của di tích, năm 2014 Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã chủ động thực hiện các thủ tục đề xuất với UBND huyện và phối hợp với địa phương lập dự án tu bổ các hạng mục của đình. Huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính, phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức thiết kế và thi công đúng tiến độ. Năm 2017, sân lễ hội đình Hạ Bì Trung được san gạt đổ bê tông 350m2, một số hạng mục phụ cận được chỉnh trang tu sửa với kinh phí 180 triệu đồng.
Nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước như: Luật Di sản văn hóa, các Nghị định, Thông tư về quản lý di tích lịch sử văn hóa tới xã, vì vậy nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ các di tích và ý thức tự giác của nhân dân trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa được nâng cao. Việc tổ chức lễ hội hàng năm đã tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được tôn vinh, thờ phụng.
Độc đáo lễ hội cướp cây bông
Cướp cây bông trong ngày hội làng La Phù.
Tương truyền, Tản Viên Sơn Thánh, con rể vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) được vua cha cử đi đánh giặc Thục giữ yên bờ cõi. Trên đường ra trận đã vào làng La Phù thuộc xã La Phù (nay là thị trấn Thanh Thủy) cho quân lính tập luyện võ nghệ trước khi ra trận. Tại đây còn có truyền thuyết về người đàn bà nghèo tên là Phan Thị Cù vào một buổi trưa hè nóng bức, bà ra sông tắm, bỗng thấy một con rắn trắng bơi đến quanh người. Về nhà bà thụ thai, đến kỳ sinh nở, bà sinh ra 5 quả trứng, sau nở thành 5 con rắn nhỏ. Một hôm bà ra bãi cuốc đất trồng khoai không may cuốc bổ phải làm đứt đuôi một con rắn trắng, trở thành rắn cộc. Năm tháng qua đi 5 con rắn lớn lên hóa thành 5 người con xinh đẹp, 2 gái 3 trai. Cả 5 người con đều lần lượt từ biệt mẹ đi mở đất, dựng nghiệp, trấn giữ một vùng được dân bản địa tôn phúc thần Thành Hoàng làng. Riêng người con trai thứ ba, được tôn là Thành Hoàng làng La Phù, tên húy là chàng Cộc đã được các triều vua sau này phong tặng: "Tiềm đức hoàng phu bát trạch gia phong trừng trạng Hoàng Hợp hiển ứng đại vương" và được nhân dân làng La Phù lập đình thờ cùng với mẫu sinh ra ngài và Tản Viên Sơn Thánh.
Hàng năm đình La Phù có 5 tiệc chính vào các ngày: Mùng 7 tháng Giêng, 12 tháng Giêng, Mùng 3 tháng 3,16 tháng 4 và mùng 8 tháng Chạp. Trong đó ngày 12 tháng Giêng là Lễ Khánh Hạ thưởng Xuân và cũng là ngày lễ hội truyền thống mang ý nghĩa lịch sử văn hóa hàng năm lớn nhất của làng.
Lễ hội ở làng La Phù gồm có 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm rước kiệu, bát hương mâm ngũ quả, đèn hương dầu nước, cờ lọng... từ đình ra lăng Mẫu tế lễ ba tuần rồi lại rước về đình tế lễ Thánh đủ ba tuần. Sau phần lễ là phần Hội. Ngoài các trò chơi dân gian như kéo co, bắt vịt, bơi chải... còn có tục Cướp cây bông, diễn lại tích Tản Viên Sơn Thánh vào làng luyện quân đi đánh giặc Thục từ thời Hùng Vương dựng nước. Đây được coi là trò chơi sôi nổi hấp dẫn, độc đáo mang ý nghĩa rèn trí, luyện sức, đua tài, để lại nhiều ấn tượng đẹp cho dân làng và khách thập phương về dự.
Cây bông được làm từ đoạn tre bánh tẻ dài chừng 70cm, vót xù bông lên ở đầu, trang trí màu sắc đẹp mắt. Vào ngày lễ Hội, hai cây bông được đặt lên kiệu rước xung quanh đình, sau đó rước về đình để tế thần.Tế thần xong, chủ tế trao hai cây bông cho hai thanh đồng múa từ chính cung của đình ra sân đình. Sau khi múa một vòng quanh sân đình, cây bông được tung cao để các trai tài gái đảm xông vào cướp. Dân làng và khách thập phương về dự đứng quây thành một vòng tròn quanh sân cổ vũ. Hai cây bông được thanh niên nam nữ tranh tài đua sức giằng co quyết liệt. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng thanh la cùng tiếng hò reo cổ động của người xem vang lên không dứt. Khi một người cướp được cây bông dâng lên cao trước cờ thần thì tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng reo hò cổ vũ của dân làng trở nên sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng. Trên sân chỉ còn một cây bông nhưng không khí chơi cũng không kém phần sôi động. Các trai gái trong làng vẫn đang đua sức đua tài ai cũng cố sức giành chiến thắng. Càng về cuối không khí cuộc chơi càng trở nên sôi động. Bỗng có tiếng hô vang: "Chiến thắng rồi!". Cây bông thứ hai lại được dâng lên trước cờ Thần, báo hiệu trò chơi kết thúc.
Cướp cây bông ở làng La Phù là trò chơi mang tính thượng võ, có tác dụng rèn luyện về các mặt đạo đức, trí tuệ, sức khỏe và lòng dũng cảm cho người chơi nên nhân dân ở đây quan niệm ai giành được chiến thắng đem cây bông về nhà dâng lên bàn thờ tổ tiên thì năm đó bản thân và cả nhà, cả giáp (nay là khu dân cư) sẽ được nhiều tài lộc, sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng. Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh khá độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần được bảo tồn và phát huy.
Lễ hội cướp cây bông, lễ hội đình Hạ Bì Trung... đã tạo dựng trong lòng người dân sự tri ân thành kính với những người có công với nước và xây dựng nếp sống văn hóa trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội.
BPT