Tượng đài chiến thắng Tu Vũ
1. Giới thiệu chung
Xã Tu Vũ được thành lập từ 01/01/2020 theo Nghị quyết số 828 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ (xã Tu Vũ ngày nay gồm: Tu Vũ, Yến Mao, Phượng Mao trước đó); có diện tích đất tự nhiên 25,5209 km2, dân số gần 10 nghìn người. Địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Minh Quang và xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; Phía Tây giáp xã Yên Lãng, xã Hương cần và xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn; Phía Nam giáp xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn; Phía Đông Nam giáp xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình; Phía Bắc giáp xã Đồng Trung (cũng là đơn vị hành chính cấp xã mới được sáp nhập bởi 03 xã cũ là: Đồng Luận, Trung Nghĩa, Trung Thịnh); là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tu Vũ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được gắn liền với di tích lịch sử cấp Quốc gia ghi dấu ấn trận công kiên đầu tiên của quân và dân ta, đập tan cứ điểm kiên cố của thực dân Pháp, chặt đứt mắt xích quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ Sông Đà, mở màn chiến dịch Hoà Bình, tiến tới chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, như lời cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam, Độc lập”. Xã Tu Vũ đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”, Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia “Mặt trận Tu Vũ” và đã đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Định hướng phát triển kinh tế- xã hội
- Từng bước quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên phát triển các cây, con có lợi thế, giá trị kinh tế cao (rau, củ, quả sạch) để đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như hỗ trợ tích cực cho mục tiêu phát triển du lịch của huyện; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Khuyến khích, tạo đều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, phát triển các làng nghề; thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn; khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất đã được quy hoạch để phát triển.
- Duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; khai thác, phát huy có hiệu qủa các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nâng cao tiêu chí nông thôn mới,…