Cách đây 62 năm, thực hiện Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng về cách mạng miền Nam, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là mốc son lịch sử khởi đầu cho những huyền thoại ngời sáng thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, kiên cường, bất khuất, đối đầu với mưa bom bão đạn của kẻ thù, tất cả vì miền Nam ruột thịt, chiến thắng Đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thăm chiến trường Trường Sơn đầu Xuân 1973. Ảnh: Vương Khánh Hồng
Thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam vừa xây dựng và phát triển trong điều kiện đặc biệt gian truân “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, sau hai năm thành lập, từ hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, ngày 23/10/1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Được sự đồng ý của hai Đảng, hai Nhà nước Lào- Việt Nam, ngày 16/4/1961, Đoàn 559 đã chính thức lật cánh sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện trên đất bạn Lào, tạo ra một thời cơ mới, điều kiện mới để xây dựng và phát triển tuyến chi viện. Đến tháng 4/1965, Đoàn công tác quân sự đặc biệt ngày nào đã lớn mạnh, trở thành Bộ Tư lệnh 559- đơn vị tương đương cấp quân khu. Và cũng từ thời điểm này, thay bằng gùi thồ thô sơ, Bộ Tư lệnh 559 đã vận chuyển chi viện cho chiến trường chủ yếu bằng cơ giới.
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường, ngày 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường quan trọng và rộng lớn trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh của Việt Nam, bảy tỉnh Nam Lào và bốn tỉnh Đông Bắc Campuchia; thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào. Thời điểm những năm 1973- 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với chín sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và một vạn thanh niên xung phong (TNXP).
Điên cuồng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, trong 16 năm (1959-1975), Đế quốc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn bốn triệu tấn bom đạn các loại- bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiếm 50% tổng số bom đạn mà chúng đã sử dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Vì con đường huyền thoại, huyết mạch chiến trường, gần hai vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã hy sinh, hơn 3,2 vạn người bị thương, hàng chục ngàn người nhiễm chất độc da cam…
Thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược trên tuyến đường mang tên Bác, trong những năm tháng kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, bộ đội Trường Sơn còn trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9- Nam Lào (tháng 1/1971), Chiến dịch giải phóng Khe Sanh, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành Cổ mùa Hè năm 1972, Chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột và giải phóng Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.
Trong 16 năm thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã làm nên những huyền thoại bất tử. Bốn sư đoàn công binh, một vạn TNXP và dân công hoả tuyến đã kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường, làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 50 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000 km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải Trường Sơn với hai sư đoàn ô tô cơ động, vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí, đạn dược… chi viện cho các chiến trường. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch. Các đơn vị bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện. Lực lượng phòng không Trường Sơn gồm một sư đoàn và chín trung đoàn cùng các đơn vị khác của Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các chiến trường. Lực lượng giao liên Trường Sơn mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn hai triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Các đơn vị thông tin Trường Sơn đã xây dựng 1.350 km đường thông tin và hàng vạn ki lô mét dây thông tin các loại, bảo đảm cho sự chỉ huy thông suốt từ Tổng hành dinh Hà Nội qua Trường Sơn tới thẳng các hướng chiến trường. Bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã mở 1.400 km đường ống xăng dầu, lập nên kỳ tích vĩ đại về sức mạnh của con người, góp phần tạo nên sức mạnh và hiệu quả của công tác chi viện chiến lược cho cách mạng của ba nước Đông Dương...
Thiếu tướng Võ Sở- Chủ tịch Hội trao tặng Kỷ niệm chương Trường Sơn cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Thủ tướng tiếp thân mật và làm việc với Đoàn đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại trụ sở Chính phủ ngày 10/8/2017. Ảnh: Lê Hồng Huân
Hoạt động tác chiến của Bộ đội Trường Sơn là sự phối hợp tác chiến hợp đồng quân binh chủng hợp thành, được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, hiệu quả và đầy sáng tạo. Bộ đội Trường Sơn đã đối phó thắng lợi một cách thông minh, sáng tạo trước mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân, hiện đại nhất của Đế quốc Mỹ, góp phần vào sự sáng tạo nghệ thuật quân sự mới, độc đáo của quân đội ta trong cuộc chiến tranh giải phóng…
Với những chiến công xuất sắc góp phần quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1999, kỷ niệm 40 năm thành lập, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”…
Đất nước hòa bình, nhiều năm nay, Binh đoàn 12, một bộ phận tiêu biểu của Bộ đội Trường Sơn năm xưa, đã kế thừa truyền thống xứng đáng, vừa làm kinh tế có hiệu quả, vừa cùng các Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố và các Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn chăm lo, làm tốt các mặt công tác và các công trình lịch sử của Bộ đội Trường Sơn.
Đóng góp quan trọng vào những chiến công huyền thoại trên tuyến đường chiến lược mang tên Bác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Phú Thọ có trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn Anh hùng. Phát huy truyền thống anh hùng và thiết thực động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tháng 5/2003 Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ được thành lập với gần 1.000 hội viên. Ngày 31/10/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 3427/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Phú Thọ (gọi tắt: Hội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ).
Từ gần 1.000 hội viên thời kỳ đầu thành lập, đến nay Hội đã có 3.343 hội viên (trong đó có 376 hội viên nữ) đang sinh hoạt ở tổ chức Hội và các huyện, thị, thành trong tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ thường xuyên tổ chức các hoạt động tích cực, hiệu quả như: Kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; xây 35 nhà tình nghĩa cho 35 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; tổ chức thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn; tặng hàng nghìn suất quà cho các gia đình Thương binh - Liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam; tổ chức gặp mặt, động viên các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trường Sơn phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận mới; tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự - an toàn xã hội ở địa phương…
Cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ XX mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội ta và dân tộc ta”. Truyền thống hào hùng, huyền thoại bất tử ấy vẫn đang được những cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn nơi Đất Tổ gìn giữ, phát huy…
Đại tá Vũ Tiến Đặng
Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Thọ