Hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp hơn 2.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo là những con số ấn tượng mà NHCSXH huyện Thanh Thuỷ đạt được trong 20 năm đồng hành cùng người nghèo. Điều này cũng khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ để huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78). Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Thủy được thành lập theo Quyết định số 514/QĐ-HĐQT ngày 10/05/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 05/2003.
Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Thủy gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn lực phục vụ hoạt động tín dụng chính sách. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, cấp uỷ, chính quyền các cấp, phòng đã nhanh chóng hoàn thành việc nhận bàn giao dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; chương trình cho vay giải quyết việc làm tại Kho bạc Nhà nước và chương trình cho vay HSSV từ Ngân hàng Công thương để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trải qua từng giai đoạn nỗ lực phát triển, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Thủy đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với Ban đại diện HĐQT 9 thành viên là đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, 11 phòng giao dịch NHCSXH cấp xã luôn tâm huyết, trách nhiệm đồng hành với đối tượng thụ hưởng, không quản ngại khó khăn, luôn “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Thực hiện phương thức quản lý có sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến Binh, Đoàn Thanh niên nhận ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả; giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Đến hết tháng tháng 6 năm 2022, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn gần 352 tỷ đồng tỷ đồng, chiếm gần 99,8% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH.
Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Cụ thể, chính quyền các cấp đã hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc và nguồn vốn; chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ tại các xã, thị trấn; tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình điển hình làm kinh tế từ vốn chính sách.
Với phương thức “Giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 244 tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 11 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Các tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong 20 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, phòng đã triển khai thực hiện 12 chương trình, từ đó góp phần giúp trên 2.200 hộ vượt nghèo. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tính 30/6/2022 là trên 350 tỷ đồng, tăng tăng 94,8% so với ngày đầu thành lập, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 4,74%. Dư nợ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 90%. Dư nợ tại vùng khó khăn 18 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1% tổng dư nợ toàn huyện.
Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cũng đang tập trung triển khai cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đã giải ngân hỗ trợ cho 3.596 lao động được vay vốn để tạo việc làm với số tiền trên 90 tỷ đồng…
Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã thật sự trở thành “chìa khóa” cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, phòng đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các địa phương, chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, nhất là nguồn vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Mặt khác, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn.
20 năm thực hiện Nghị định 78, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong huyện. NHCSXH không trao “con cá” mà đã trao “cần câu” để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của huyện. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần cải thiện, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn.
Trọng Hoà - Minh Phương